Tế bào gốc mở ra một nền y học mới mang tên "y học tái tạo", cho phép làm mới và tái tạo các tế bào, thay thế những tế bào bị hư hỏng hoặc thoái hóa. Nhờ vậy, tế bào gốc có khả năng điều trị nhiều bệnh lý phức tạp, trong đó có các bệnh ung thư, tiểu đường, thoái hóa khớp... Vậy tế bào gốc có ở đâu?

Tế bào gốc được phân chia thành 4 nguồn chính, đó là tế bào gốc phôi, tế bào gốc thai, tế bào gốc từ dây rốn và tế bào gốc từ người trưởng thành. Trong đó, việc sử dụng tế bào gốc nguồn gốc từ người trưởng thành (adult stem cells- ASCs) là khả thi nhất. Tế bào gốc ở người trưởng thành hiện diện ở nhiều cơ quan như tủy xương, máu ngoại vi, não bộ, gan, tụy, da cơ…

Trước đây, việc lấy tế bào gốc chủ yếu ở tủy xương và máu ngoại vi nhưng số lượng thường ít, do đó hoặc phải lấy rất nhiều tủy xương hay máu, hoặc cần phải nuôi cấy để đạt được số lượng tế bào cần thiết.

Ngày nay, một số nghiên cứu cho thấy lấy tế bào gốc nguồn gốc mô mỡ (Adipose  Tissue Adult stem cells- AT-ASCs) là một biện pháp tối ưu: Mô mỡ, đặc biệt mỡ bụng có rất nhiều tế bào gốc; không phải nuôi cấy phức tạp mà vẫn có thể lấy đủ số lượng tế bào gốc phục vụ điều trị; lấy mỡ bụng rất đơn giản, chỉ cần gây tê tại chỗ vùng bụng để hút mỡ mà hầu như không gây tổn hại cho bệnh nhân. 

Một ưu điểm của AT-ASCs là có nhiều đặc điểm tương tự tế bào gốc nguồn gốc tủy xương. Cả hai đều có nguồn gốc từ lá phôi giữa trong thời kỳ phát triển của bào thai nên còn gọi chung là tế bào gốc nguồn gốc trung mô. AT-ASCs có thể phát triển thành các tế bào đặc hiệu nguồn gốc trung mô như tế bào mỡ, nguyên bào sợi, tế bào cơ, xương, sụn… trong những môi trường có các yếu tố tăng trưởng phù hợp.

Với sự phát triển vượt bậc của y học hiện đại, công nghệ tế bào gốc thực sự là một bước ngoặt vĩ đại mang lại nhiều hy vọng cho các bệnh nhân điều trị bệnh hiểm nghèo, và mang lại cho cả các chị em những phương pháp làm đẹp an toàn và hiệu quả tối ưu mà chưa một phương pháp nào trước đây đạt được.